Bài 23: Lu-ca chương 16,1-31

  • 02/07/2025
  • Sau khi Đức Giêsu kể ba dụ ngôn (con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất, người cha nhân hậu) để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, thì tới Lc 16 Đức Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn và lời giảng để nói về thái độ cần có và việc sử dụng tiền của như thế nào để đạt được nước trời.

    BÀI 23

    SỰ KHÔN NGOAN TRONG VIỆC SỬ DỤNG TIỀN CỦA (Lc 16,1-31)

    Sau khi Đức Giêsu kể ba dụ ngôn (con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất, người cha nhân hậu) để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, thì tới Lc 16 Đức Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn và lời giảng để nói về thái độ cần có và việc sử dụng tiền của như thế nào để đạt được nước trời.

    Câu 1: Người quản gia trong dụ ngôn đã làm gì sai?

    Thưa: Người quản gia là người được chủ giao quản lý tài sản, nhưng ông ta lãng phí tài sản của chủ, nên bị chủ đòi sa thải (Lc 16,1-2).

    Câu 2: Khi biết mình sẽ bị sa thải người quản gia đã nghĩ gì?

    Thưa: 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!

    Câu 3: Sau khi đã suy nghĩ, người quản gia đã làm gì?

    Thưa: 5 "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. 7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi ».

    Câu 4: Tại sao ông chủ lại khen người quản gia, dù anh ta bất trung?

    Thưa: Chủ khen vì người quản gia đã khôn khéo, biết dùng tài sản hiện tại để lo cho tương lai, dù cách làm không ngay thẳng.

    Câu 5: Đâu là ý nghĩa của câu nói kết luận của Đức Giêsu trong dụ ngôn này: « Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại ».

    Thưa: Trước hết « con cái đời này » ám chỉ những người sông theo thế gian, lấy lợi ích thực dụng và khôn ngoan của con người làm tiêu chuẩn. «con cái ánh sáng» là những người thuộc về Thiên Chúa, sống theo ánh sáng Tin Mừng. Do đó, qua dụ ngôn và câu nói này, Đức Giêsu nhấn mạnh: «con cái người đời» thường hay khôn khéo, tính toán vì những lợi ích trần thế liên quan tới mình. Trong khi đó «con cái ánh sáng» được hiểu là những người tin vào Chúa, lại thờ ơ, thiếu quyết liệt, thụ động trong việc thực hành đức tin, sống Tin Mừng.

    Câu 6: Qua dụ ngôn này, Chúa dạy chúng ta điều gì ?

    Thưa: Qua dụ ngôn này, Chúa dạy chúng ta phải có thái độ khôn ngoan, biết tận dụng mọi cơ hội để lo liệu cho tương lai của mình. Ngài mời gọi chúng ta biết sử dụng của cải cách khôn ngoan và quảng đại, để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

    Câu 7: Trong Luca 16,9-13, Đức Giêsu đã dạy chúng ta điều gì?

    Thưa: Đức Giêsu khẳng dạy: 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? 13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."

    Câu 8: Ý của đoạn Kinh Thánh trên là gì?

    Thưa: Qua những lời này, Đức Giêsu dạy chúng ta cần sử dụng tiền bạc và của cải cách khôn ngoan, vì chúng chỉ là phương tiện để thực hiện những việc làm mang lại giá trị vĩnh cửu, và hơn hết, để lựa chọn Thiên Chúa là chủ duy nhất trong cuộc đời mình.

    Câu 9: Khi những người Pharisêu ham hố tiền bạc chế nhạo Đức Giêsu vì Ngài dạy về cách sử dụng tiền bạc khôn ngoan, Ngài khiển trách họ như thế nào? (Lc 16,14-15)

    Thưa: Người vạch trần thái độ giả hình của họ, khi nói: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.

    Câu 10: Chúa Giêsu nói gì ở Tin Mừng Luca 16,16-17?

    Thưa: Chúa Giêsu nói rằng: "Cho đến thời ông Gioan, thì có Lề Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào. Trời đất qua đi còn dễ hơn là một cái phết của Lề Luật rụng mất”. Điều đó có nghĩa là: Đức Giêsu đến không phải để huỷ bỏ nhưng là để kiện toàn lề luật, và ai muốn vào Nước Thiên Chúa thì phải tin vào Lời Ngài và cố gắng hết sức sống theo Lời đó thì mới vào được.

    Câu 11: Chúa Giêsu có thái độ nào đối với vấn đề li dị?

    Thưa: Đức Giêsu không đồng ý cho dựa vào luật Môsê (x. Đnl 24,1-4) để ly dị, vì 18 "Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình».

    Câu 12: Câu chuyện dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó  khi còn sống diễn ra như thế nào ? (Lc 16,19-21)

    Thưa: Ông nhà giàu “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Còn “người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”.

    Câu 13: Điều gì đã xảy ra sau khi cả ông Lazarô và người phú hộ đều chết ?

    Thưa: Sau khi chết, Ladarô được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. 23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và thấy anh Lazarô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!

    Câu 14: Trước lời van xin của người phú hộ giầu có, Abraham đã nói gì ?

    Thưa: 25 Ông Abraham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.

    Câu 15: Người phú hộ sau khi bị từ chối, còn xin Abraham điều gì ?

    Thưa: 27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lazarô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Abraham đáp: "Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Abraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông Abraham đáp: "Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

    Câu 16: Nhân vật Lazarô trong dụ ngôn của Luca 16 có phải là Lazarô, em trai của Maria và Marta trong Tin mừng Gioan (Ga 11) đã được Đức Giêsu phục sinh hay không ?

    Thưa: Không phải. Lazarô trong Tin Mừng của Gioan là một nhân vật có thật trong lịch sử đã được Đức Giêsu yêu mến và Ngài đã phục sinh sau khi ông đã chết nằm trong mồ 4 ngày (Ga 11,39). Còn Lazarô trong câu chuyện này là một nhân vật trong dụ ngôn (câu chuyện hư cấu) do Đức Giêsu kể để đưa ra bài học cho dân chúng.

    Câu 17: Đức Giêsu có ý dạy điều gì qua dụ ngôn này?

    Thưa: Qua dụ ngôn này, một lần nữa Đức Giêsu dạy về thái độ cần có khi sử dụng của cải. Trong dụ ngôn ở đầu chương này (Lc 16,1-7), người đầy tớ đã dùng của cải để lo cho tương lai sau này nên được khen là khôn ngoan. Ngược lại, trong dụ ngôn ở cuối chương này (Lc 16,19-31), người phú hộ đã không sử dụng của cải đúng cách, không chia sẻ những gì ông có với người nghèo khó, nên đã phải chịu hậu quả. Từ đây, chúng ta cũng rút ra được bài học là: cần phải có thái độ đồng cảm và yêu thương những người đang khó khăn, ốm đau, bệnh tật, và chia sẻ với họ những hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta. Nếu chúng ta làm như vậy, Thiên Chúa là Đấng rất quảng đại và giàu lòng nhân ái sẽ ban thưởng cho chúng ta hạnh phúc đời đời.

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB

    Bài viết liên quan