Ban Giáo lý đức tin GPTB hân hạnh giới thiệu: ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KỲ II - DÀNH CHO GLV CẤP 2

  • 01/05/2025
  • Kính thưa quý đấng bậc, thưa quý học viên, theo kế hoạch của Ban Giáo lý Đức tin, ngày 18/5/2025 tới đây (Chúa Nhật V Phục Sinh), các lớp Huấn luyện Giáo lý viên cấp 1 và 2 trong toàn giáo phận sẽ thi kết thúc học kỳ 1. Nhằm giúp cho các học viên hệ thống lại toàn bộ kiến thức trong Học kỳ II, Ban Giáo lý Đức Tin giới thiệu tới quý giảng viên và học viên ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KỲ II - CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN GLV CẤP 2 để quý vị tham khảo. (Đề Cương Ôn tập Học Kỳ I của GLV cấp II xin xem các bài đã đăng trước đây). Kính chúc quý học viên hoàn thành kỳ thi với kết quả tốt nhất.

       GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

        BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

    ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KỲ II

    DÀNH CHO GIÁO LÝ VIÊN CẤP 2

     

    PHẦN III

    MÔN HỌC: TÌM HIỂU PHỤNG VỤ

    BÀI 1

    PHỤNG VỤ KI-TÔ GIÁO

    Câu 37: Phụng vụ là gì?

    Phụng vụ là việc Hội Thánh, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ.

    Câu 38: Đâu là những yếu tố chính cấu tạo nên phụng vụ?

    3 yếu tố chính yếu sau đây làm nên phụng vụ: Một sách nghi lễ chính thức của Hội Thánh; Hai là phải do một thừa tác viên hợp pháp của Hội Thánh cử hành; Ba là phải cử hành đúng nghi thức và nhân danh toàn thể Hội Thánh.

    Câu 39: Cử hành phụng vụ có nghĩa như thế nào?

    Cử hành phụng vụ vừa là tưởng niệm, vừa là hiện tại hóa mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Tưởng niệm để nhắc nhớ những gì Chúa đã làm cho con người; và hiện tại hoá không có nghĩa là tái diễn, nhưng là nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hội Thánh làm cho việc Chúa chết và sống lại không trôi vào dĩ vãng, song đi vào đời sống chúng ta hôm nay cách mầu nhiệm, vì hai bản tính nơi Đức Giê-su không bao giờ tách biệt.

    Câu 40: Bản chất của phụng vụ là gì?

    Bản chất của phụng vụ bao gồm những yếu tố sau đây:

    • Phụng vụ là một việc linh thánh, do chính Chúa Ki-tô thực hiện qua thừa tác viên của Hội Thánh.
    • Phụng vụ gồm những dấu chỉ khả giác, hữu hình và hữu hiệu, để thông chuyển ơn thiêng cho con người.
    • Phụng vụ là công việc của tất cả Nhiệm Thể Chúa Ki-tô gồm Đầu và các chi thể.
    • Phụng vụ là sứ mạng của Chúa Thánh Thần nhằm chuẩn bị cộng đoàn tín hữu gặp gỡ Chúa Ki-tô, và làm cho công trình cứu độ tác động trong hiện tại.

    Câu 41: Việc phụng vụ và việc đạo đức có tương quan gì với nhau?

    Giữa phụng vụ và việc đạo đức có mối liên hệ hỗ tương. Phụng vụ vượt xa các việc đạo đức, còn các việc đạo đức phải phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa người tín hữu đến với phụng vụ; và không được để lòng đạo đức bình dân biến chất hoặc lấn át các cử hành phụng vụ.

    BÀI 2

    LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

    Câu 42: Tại sao Truyền Thống lại giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử phụng vụ?

    Truyền Thống của Hội Thánh có vai trò quan trọng trong lịch sử phụng vụ vì nó góp phần bảo tồn và chuyển tải di sản tinh thần và đức tin của Hội Thánh, và hình thành các bản văn phụng vụ và tuyên tín vì “Luật cầu nguyện là Luật đức tin”.

    Câu 43: Người Ki-tô hữu có quyền sáng tác phụng vụ theo sở thích riêng không?

    Không ai có quyền sáng tác phụng vụ theo ý riêng mình, kể cả giám mục, bởi vì phụng vụ không phải là những họat động riêng tư mà là những cử hành của Hội Thánh; và vì là họat động chung nên phụng vụ phải được quy định rõ ràng bởi những thẩm quyền chính thức trong Hội Thánh, như Hội Thánh đã từng làm trong các giai đoạn lịch sử của phụng vụ. Ngoài ra, người ta chỉ được phép thích nghi những chỗ mà chính nghi thức phụng vụ đã nói rõ và cho phép (GL 837; 838/1).

    Câu 44: Ngày nay người tín hữu Công Giáo theo nghi lễ nào của Hội Thánh?

     Người tín hữu Công Giáo ngày nay theo nghi lễ Rô-ma được điều hành bởi Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Ngoài ra có một số Giáo Hội vẫn hiệp thông hoàn toàn với Hội Thánh Rô-ma nhưng lại được phép sử dụng nghi lễ riêng của địa phương.

    BÀI 3

    BẦU KHÍ PHỤNG VỤ

    Câu 45: Dấu chỉ và biểu tượng là gì?

    Dấu chỉ và biểu tượng là những yếu tố vật chất hữu hình, song người ta lại kiến tạo cho nó một ý nghĩa mới.

    Câu 46: Tại sao cử chỉ và điệu bộ lại quan trọng trong các cử hành phụng vụ của Hội Thánh?

    Cử chỉ và điệu bộ quan trọng vì con người có thân xác và linh hồn nên cần có các cách diễn tả của thân xác để biểu lộ chiều sâu nội tâm. Hơn nữa, các cử chỉ và điệu bộ trong phụng vụ đều có ý nghĩa riêng biệt, và khi cùng nhau thể hiện, lại nói lên tính hiệp nhất của cộng đoàn.

    BÀI 4

    NĂM PHỤNG VỤ

    Câu 47: Ngày Chúa Nhật có tầm quan trọng thế nào?

    Ngày Chúa Nhật được gọi là ‘Ngày của Chúa’, ngày Chúa Ki-tô sống lại từ cõi chết, và theo truyền thống từ thời các tông đồ, các tín hữu tụ họp nhau lại lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể; và đây cũng là luật kiêng việc nặng nhọc ngày Chúa Nhật.

    Câu 48: Tâm điểm của Năm Phụng vụ là gì?

    Tâm điểm của năm Phụng vụ là mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô, khởi đầu năm phụng vụ với CN I mùa Vọng và kết thúc với lễ Chúa Ki-tô Vua, xen kẽ vào các mầu nhiệm kính Chúa, Đức Maria và các thánh, và cao điểm vẫn là Tam Nhật Vượt Qua.

    Câu 49: Các mùa phụng vụ được sắp xếp như thế nào ?

    Các mùa phụng vụ được sắp xếp như sau: cao điểm là mùa Phục Sinh rồi đến Giáng Sinh, và được chuẩn bị bằng mùa Chay và mùa Vọng, còn xen kẽ giữa các mùa gọi là mùa Thường Niên.

    Câu 50: Lễ Trọng, lễ Kính và lễ Nhớ khác nhau thế nào ?

    Lễ Trọng ở bậc cao nhất chia làm hai loại: Lễ chung cho toàn cầu và lễ riêng cho địa phương. Thời gian mừng lễ trọng dài hơn một ngày bình thường, nghĩa là luôn bắt đầu từ chiều hôm trước.

    Lễ Kính chỉ gói gọn trong một ngày bình thường, và thấp hơn lễ Trọng.

    Lễ Nhớ ở bậc thứ ba và có hai loại: Lễ Nhớ bắt buộc và Lễ Nhớ không bắt buộc.

    BÀI 5

    PHỤNG VỤ THÁNH LỄ

    Câu 51: Thánh lễ gồm mấy phần, là những phần nào?

    Thánh lễ có hai phần: Một là Phụng vụ Lời Chúa: gồm từ đầu cho đến hết Lời Nguyện tín hữu (lời nguyện giáo dân). Hai là Phụng vụ Thánh Thể: gồm từ việc Dâng lễ vật cho đến hết lễ.

    Câu 52: Nghi thức Đầu lễ gồm những phần nào?

    Gồm: Ca Nhập lễ, Nghi thức Sám hối, Kinh Vinh Danh và Lời nguyện Nhập lễ.

    Câu 53: Phần Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ đâu đến đâu?

    Phần Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ bài đọc Thánh Kinh thứ nhất, và kết thúc khi đọc xong Lời Nguyện tín hữu.

    Câu 54: Phụng vụ Lời Chúa gồm những phần nào?

    Phụng vụ Lời Chúa gồm: Các bài đọc Thánh Kinh, Đáp Ca, Lời tung hô trước Phúc Âm, Bài Phúc Âm, Bài diễn giảng, Kinh Tin Kính và Lời nguyện tín hữu.

    Câu 55: Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu từ đâu đến đâu?

    Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu từ việc Chuẩn bị lễ vật đến hết Lời nguyện Hiệp lễ.

    Câu 56: Phụng vụ Thánh Thể gồm mấy phần, đó là những phần nào?

    Gồm 3 phần: Chuẩn bị lễ vật, Kinh nguyện Thánh Thể và Lời nguyện Hiệp lễ.

    Câu 57: Nghi thức Hiệp lễ gồm những phần nào?

    Nghi thức Hiệp lễ gồm: Kinh Lạy Cha, Nghi thức chúc bình an, Nghi thức bẻ bánh, Rước lễ và Lời nguyện Hiệp lễ.

    Câu 58: GLV phải làm thế nào để giúp các em thiếu nhi ý thức và siêng năng rước lễ?

    Sửa soạn cho các em rước lễ lần đầu thôi chưa đủ, GLV còn phải liên tục dạy dỗ các em về việc rước lễ, không những bằng lời nói mà còn bằng chính gương sáng của mình. GLV phải làm sao để các em thấy được tầm quan trọng của việc rước lễ và yêu mến Thánh Thể một cách thường xuyên và xứng đáng.

    BÀI 6

    CỬ HÀNH CÁC BÍ TÍCH

    Câu 59: Bí tích là gì?

    Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu đem lại ân sủng, được Chúa Giê-su thiết lập và trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho ta.

    Câu 60: Một cử hành được xem là Phụng vụ bí tích gồm những yếu tố nào?

    - Phải là những dấu chỉ bề ngoài (khả giác) mà chúng ta có thể cảm nhận được (nước, đặt tay, lời cầu ...)

    - Phải là những dấu chỉ do Chúa Ki-tô thiết lập rồi ủy thác cho Hội Thánh.

    - Phải là những dấu chỉ hữu hiệu, nghĩa là thông chuyển ơn thánh qua cử hành phụng vụ của Hội Thánh.

    Câu 61: Hiệu năng của Bí tích nghĩa là gì?

    “Các bí tích như những “năng lực phát ra” tự thân thể Đức Ki-tô để chữa lành các thương tích do tội lỗi và ban cho chúng ta sự sống mới trong Đức Ki-tô” (GL 1116). Bởi thế các bí tích có hiệu năng do sự (cử hành đúng các đòi hỏi của Hội Thánh là ơn Chúa tức khắc đến với con người) chứ không lệ thuộc vào bản thân của người ban. Tuy nhiên, ơn Chúa có sinh hiệu quả nơi người nhận bí tích hay không còn tùy thuộc tình trạng tâm hồn của họ (do nhân).

    Câu 62: Người nhận bí tích phải có những điều kiện gì?

    Người nhận bí tích phải có đức tin, ý muốn ngay lành và một chút hiểu biết nào đó thì việc lãnh nhận bí tích mới có hiệu quả.

    BÀI 7

    TIẾN TRÌNH KHAI TÂM KI-TÔ GIÁO

    Câu 63: Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh cử hành Phép Rửa như thế nào?

    Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã dần dà hình thành công thức Rửa Tội bằng việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi theo lệnh truyền của Chúa Ki-tô, và chuẩn bị cho các dự tòng từng bước lãnh nhận các bí tích gia nhập Ki-tô giáo trong Đêm Vọng Phục Sinh.

    Câu 64: Sang thời Trung Cổ, Giáo Hội có thay đổi gì về các bí tích khai tâm này không?

    Sang thời Trung Cổ, Hội Thánh đã hình thành công thức Rửa Tội vắn gọn như hiện nay vẫn dùng, đồng thời tách rời Bí tích Thánh Tẩy ra khỏi hai Bí tích Thêm Sức và Thánh Thể, nhất là đối với trẻ em.

    Câu 65: Công đồng Vatican II đã canh tân phụng vụ Phép Rửa như thế nào?

    Công đồng Vatican II đã trở về nguồn để khôi phục lại các giai đoạn dự tòng, sao cho các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể tạo nên một bộ ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo đối với người lớn.

    BÀI 8

    PHỤNG VỤ THÁNH TẨY

    Câu 66: Phụng vụ Thánh Tẩy là gì?

    Phụng vụ Thánh Tẩy là ban ơn tái sinh làm con Thiên Chúa và Hội Thánh qua việc thừa tác viên đổ nước và rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

    Câu 67: Nghi thức Thánh Tẩy trẻ em được cử hành thế nào?

    Nghi thức Thánh Tẩy trẻ em khởi đầu bằng việc tiếp nhận và xức dầu Dự tòng, Lời cầu chung, Làm phép nước, Tuyên xưng đức tin rồi Đổ nước và đọc lời Rửa Tội, sau cùng là Mặc áo trắng và Trao nến sáng.

    Câu 68: Nghi thức Thánh Tẩy người lớn được cử hành thế nào?

    Nghi thức Thánh Tẩy người lớn thường được cử hành theo ba giai đoạn: Một là Tiếp nhận làm Dự tòng; Hai là được Tuyển chọn và trao kinh; Ba là lãnh nhận các Bí tích Khai tâm.

    Câu 69: Bí tích Thánh Tẩy đem lại cho ta những ơn gì?

    Bí tích Thánh Tẩy đem lại cho ta ơn tha thứ tội lỗi để tái sinh làm con Thiên Chúa giữa lòng Hội Thánh.

    BÀI 9

    PHỤNG VỤ THÊM SỨC

    Câu 70: Phụng vụ Bí tích Thêm Sức là gì?

    Phụng vụ Thêm Sức là việc Đức Giám mục hay Thừa tác viên linh mục Đặt tay, Xức Dầu Thánh và đọc lời Thêm Sức để ban ơn Thánh Thần.

    Câu 71: Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm Sức là gì?

    Nguyên thủy từ thời các Tông Đồ, cử chỉ chính yếu khi Thêm Sức là việc Đặt tay, rồi Hội Thánh đã sớm thêm vào bí tích này việc Xức Dầu Thánh và lời đọc: “Hãy nhận lấy ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”.

    Câu 72: Bí tích Thêm Sức ban cho ta những ơn gì?

    Bí tích Thêm Sức không ban cho ta những gì mới, nhưng là làm triển nở những ơn đã lãnh nhận trong Bí tích Thánh Tẩy. Đó là đi sâu vào tình nghĩa tử với Thiên Chúa là Cha trong Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, và nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần mà rao giảng và làm chứng cho điều mà mình đã lãnh nhận.

    BÀI 10

    PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

    Câu 73: Bí tích Thánh Thể là gì?

    Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ Chúa Giê-su đã lập để tiếp tục hy lễ thập giá và để ban Mình Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi thiêng liêng cho con người.

    Câu 74: Chúa Ki-tô thiết lập Bí tích Thánh Thể khi nào?

    Chúa Ki-tô thiết lập Bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn của lễ Vượt Qua như một dấu chỉ báo trước hy tế Ngài sẽ dâng ngày hôm sau, và mãi mãi trở thành lưong thực thiêng liêng nuôi sống người tín hữu.

    Câu 75: Chúa Ki-tô hiện diện thế nào trong Bí tích Thánh thể?

    Chúa Ki-tô hiện diện thực sự theo bản thể, vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật, trong Bí tích Thánh Thể bao lâu hình bánh và rượu vẫn còn tồn tại.

    Câu 76: Rước Lễ mang lại cho ta những ơn ích gì?

    Rước Lễ mang lại cho ta ơn hiệp nhất với Chúa Ki-tô mỗi lúc một tăng triển về sự sống thiêng liêng cùng với các Ki-tô hữu khác để đạt tới sự sống đời đời.

    Câu 77: Phụng vụ Thánh Thể mang ý nghĩa gì?

    Phụng vụ Thánh thể là một hy tế tạ ơn của Chúa Ki-tô dâng lên Chúa Cha, và cũng là hy tế của Hội Thánh vì sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô trong tư cách là Đầu của Hội Thánh khi Hội Thánh tưởng niệm và hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô trong thánh lễ.

    BÀI 11

    PHỤNG VỤ HÒA GIẢI

    Câu 78: Phụng vụ Hòa Giải là gì?

    Phụng vụ Hòa Giải là việc linh mục giao hòa hối nhân với Thiên Chúa và Hội Thánh bằng cách tha tội nhân danh Chúa Giê-su.

    Câu 79: Bí tích Hòa Giải mang lại cho ta những ơn ích gì?

    Bí tích Hòa Giải mang lại cho ta ơn tha tội và ơn trợ giúp để ta sống tốt lành thánh thiện và tránh tội.

    Câu 80: Muốn Xưng Tội ta phải làm những sự gì?

    Muốn Xưng Tội ta phải làm bốn việc này: Một là xét mình, Hai là ăn năn tội, Ba là xưng tội, Bốn là đền tội.

    Câu 81: Đâu là dấu chỉ thiết yếu của Bí tích Hòa Giải?

    Dấu chỉ thiết yếu của Bí tích Hòa Giải là việc sám hối của tội nhân (gồm 4 bước: xét mình, ăn năn tội, xưng tội và đền tội ), và lời xá giải của linh mục.

    Câu 82: Ân xá là gì?

    Ân xá là ơn Hội Thánh ban nhờ công nghiệp Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a và các Thánh để tha các hình phạt tạm do tội gây nên, khi tội đã được tha.

    Câu 83: Muốn được hưởng ân xá ta phải làm gì?

    Muốn được hưởng Ân xá, ta phải làm ba việc này:

    • Một là phải Xưng Tội và Rước Lễ cùng quyết tâm từ bỏ mọi tội lỗi;
    • Hai là phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng;
    • Ba là phải làm những việc mà Hội Thánh quy định để lãnh nhận ân xá.

    BÀI 12

    PHỤNG VỤ XỨC DẦU BỆNH NHÂN

    Câu 84: Phụng vụ Bí tích Xức Dầu bệnh nhân là gì?

    Phụng vụ Bí tích Xức dầu bệnh nhân là việc linh mục Đặt tay, Cầu nguyện và Xức dầu để nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu về phần hồn cũng như phần xác.

    Câu 85: Bí tích Xức Dầu bệnh ban cho ta những ơn gì?

    Bí tích Xức Dầu bệnh ban cho ta những ơn này:

    • Một là thêm tin tưởng phó thác cho Chúa;
    • Hai là kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa để sinh ơn cứu độ;
    • Ba là cả Hội Thánh cùng hiệp thông cầu nguyện cho bệnh nhân;
    • Bốn là chuẩn bị cho cuộc ra đi cuối cùng.

    Câu 86: Nghi thức Xức Dầu bệnh nhân gồm những gì?

    Nghi thức chính yếu của bí tích Xức Dầu bệnh nhân là việc linh mục Đặt tay, Cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi Xức dầu bệnh nhân và đọc Lời nguyện xức dầu.

    BÀI 13

    PHỤNG VỤ TRUYỀN CHỨC

    Câu 87: Phụng vụ Truyền Chức thánh là gì?

    Phụng vụ Truyền Chức thánh là việc Đức Giám Mục đặt tay và đọc lời nguyện phong chức để tân chức tiếp nối sứ mạng Chúa Ki-tô đã ủy thác cho các Tông Đồ được tiếp tục trong Hội Thánh cho đến tận thế.

    Câu 88: Có mấy chức thánh?

    Chỉ có một bí tích Truyền Chức Thánh song có ba cấp là chức Giám Mục, Linh mục và Phó tế.

    Câu 89: Người giáo dân có chức tư tế không?

    Mọi Ki-tô hữu đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Giê-su Ki-tô, gọi là chức tư tế cộng đồng. Chức tư tế thừa tác của giám mục hay linh mục là để phục vụ chức tư tế cộng đồng.

    Câu 90: Nghi thức Truyền Chức thánh cử hành thế nào?

    Nghi thức Truyền Chức thánh bắt đầu bằng việc Thỉnh vấn, Hát kinh cầu các thánh rồi đến nghi thức chính yếu là việc Giám Mục Đặt tay và Đọc Lời nguyện phong chức, và kết thúc bằng nghi thức Diễn nghĩa như: Mặc lễ phục, Xức Dầu Thánh ...

    Câu 91: Bí tích Truyền Chức thánh mang lại những ơn gì?

    Bí tích Truyền Chức thánh ghi ấn tích không phai mờ và ban ơn Chúa Thánh Thần để trở thành thừa tác viên của Chúa Ki-tô là Thượng Tế, Thầy Dạy và Mục Tử.

    BÀI 14

    PHỤNG VỤ HÔN PHỐI

    Câu 92: Phụng vụ Hôn Phối là gì?

    Phụng vụ Hôn Phối là việc hai Ki-tô hữu, một nam một nữ, kết ước thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh trong sự tự do ưng thuận và không mắc ngăn trở tiêu hôn.

    Câu 93: Hôn nhân Công Giáo có những đặc tính gì?

    Hôn nhân Công Giáo có hai đăc tính: Một là một vợ một chồng, Hai là bất khả phân ly.

    Câu 94: Đâu là mục đích của Hôn nhân Công Giáo?

    Hôn nhân Công Giáo có hai mục đích: Một là bổ túc cho nhau trong tình yêu vợ chồng; Hai là sinh sản và giáo dục con cái.

    Câu 95: Để Bí tích Hôn Phối hữu hiệu và hợp pháp cần có những điều kiện gì?

    Để Bí tích Hôn Phối hữu hiệu và hợp pháp phải hội đủ ba điều kiện này: Một phải là Ki-tô hữu; Hai là có sự tự do ưng thuận; và Ba là không mắc ngăn trở tiêu hôn.

    Câu 96: Tại sao Bí tích Hôn Phối lại cần có sự chứng hôn của Hội Thánh?

    Đôi nam nữ là thừa tác viên ân sủng của Bí tích Hôn Phối song họ phải trao ban bí tích cho nhau trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh cùng với hai người làm chứng thì Bí tích Hôn Phối mới hữu hiệu và hợp pháp..

    Câu 97: Nghi thức chính yếu của việc kết hôn Công Giáo là gì?

    Nghi thức chính yếu của việc kết hôn Công Giáo là đôi bạn Bày tỏ sự tự do ưng thuận kết hôn trước sự chứng hôn của Hội Thánh.

    Câu 98: Có thể tháo gỡ Hôn Phối Công Giáo không?

    Một khi Hôn Phối đã hữu hiệu và hoàn hợp thì không thể tháo gỡ. Hội Thánh không có quyền hủy bỏ Hôn Phối mà chỉ tuyên bố bí tích đã không thành sự ngay từ lúc kết hôn vì vướng một ngăn trở tiêu hôn nào đó.

    BÀI 15

    PHỤ TÍCH

    Câu 99: Phụ tích là gì?

    Phụ tích là những dấu chỉ do Hội Thánh thiết lập để thông ban các ơn thiêng qua lời bầu cử của Hội Thánh.

    Câu 100: Có những loại Phụ tích nào?

    Có ba loại phụ tích liên quan đến Người, Nơi chốn và Vật dụng.

    Câu 101: Nghi thức ban các Phụ tích như thế nào?

    Tùy theo loại phụ tích mà người giáo dân hay người có chức thánh mới được cử hành nghi thức làm phép. Thông thường có việc công bố Lời Chúa đi trước công thức làm phép, hoặc chỉ đơn giản bằng lời nguyện làm phép rồi kèm theo một vài cử chỉ như Đặt tay, Làm dấu Thánh giá, Rảy nước thánh.

    BÀI 16

    GIỜ KINH PHỤNG VỤ

    Câu 102: Các Giờ Kinh Phụng Vụ là gì?

    Các Giờ Kinh Phụng Vụ là những lời cầu nguyện liên lỉ của toàn thể Hội Thánh để thánh hóa ngày giờ và toàn bộ sinh họat của con người.

    Câu 103: Có bao nhiêu giờ kinh trong ngày?

    Có 5 giờ kinh phụng vụ trong ngày là: Kinh Sách, Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều và Kinh Tối; song quan trọng hơn cả là Kinh Sáng và Kinh Chiều.

    Câu 104: Diễn tiến thông thường của một Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành như thế nào?

    Diễn tiến thông thường một Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành với phần Giáo đầu, rồi đến một Thánh Thi, các Thánh Vịnh, một đoạn Sách Thánh, câu Xướng đáp, Thánh ca Tin Mừng, các Lời Cầu nguyện và cuối cùng là Phép lành giải tán.

    Câu 105: Những ai buộc phải cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ?

    Những người có chức thánh và các cộng đoàn tu sĩ có luật buộc đọc phải chu toàn các Giờ Kinh Phụng Vụ; còn giáo dân không bắt buộc nhưng cũng được Hội Thánh mời gọi đọc một vài giờ Kinh Phụng Vụ.

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

    Bài viết liên quan