Chúa Nhật XV TN C - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 12/07/2025
  • Chủ đề: Người Sa-ma-ri nhân lành

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý  VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    Chúa Nhật XV THƯỜNG NIÊN

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Lc 10, 25-37)

           Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"

          Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông." "Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy."

    TÌNH YÊU THƯƠNG

    Dàn Ý

    1. Luật yêu thương

    - Đạo đức tự nhiên, luân lý siêu nhiên đều dựa trên nền tảng yêu thương. Cựu Ước, Tân Ước, Lề luật, Tin Mừng và Ngoại giáo mọi thời, đều cho rằng: Yêu Chúa là ‘con đường sống.’

    - Giáo lí Công Giáo dạy: Sống đời này là để tôn thờ, yêu mến Chúa và yêu thương anh em để được hạnh phúc.

    - Giáo luật dạy: Yêu thương là nguyên lý sáng lập, là điểm tựa cho sáng tạo, là yếu tính của lòng tin và hợp nhất.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về tình yêu thương

    - Phaolô nói về tình thương bao la của Chúa: “Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất”(Cl 1,20).

    - Tin Mừng nhắc lại Luật yêu thương: “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn ngươi, và hãy thương anh em như chính mình” (Lc 10, 26).

    - Người thông luật trả lời Đức Giêsu về kẻ có lòng yêu thật: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy” (Lc 10, 37).

    3. Thực hành yêu thương

    - Tình yêu thương đòi hỏi làm theo hướng dẫn của con tim. Người-rôbôt không biết yêu, biết ghét; đó chỉ là rôbôt vô hồn. Tư tế và Lêvi bỏ rơi kẻ bị nạn, dù ở rất gần nhau! Người Samaria có tình yêu, ‘đến gần, băng bó vết thương, đem nạn nhân về quán trọ săn sóc.’ Khi yêu, người ta biết phải làm gì cho tha nhân, biến lạ thành quen, thù nên bạn, xa nên gần.  

    - Tình yêu thương đòi phải ‘miệng nói tay làm.’ Người ta có

    thể biến yêu thương thành hành động, không chỉ ở đầu môi chóp lưỡi. Có người nói, con đường dài nhất là từ trái tim đến bàn tay. Pascal cũng nói: “Khuyết tật lớn nhất của một người là phục vụ quá ít cho kẻ họ yêu.” Đức Giêsu muốn dạy, hãy noi gương người Samaritano sẵn sàng ra tay giúp người khác

    - Tình yêu thương đòi phải cho đi chính mình. Không phải là cho vật gì, mà là hi sinh mình vì anh em. Kahil Gibram nói: “Cho của cải là quá ít. Cho đi chính mình, mới là cho đi.” Càng khép kín, càng chết dần trong cô đơn. Nhiều nơi chỉ lo phụng tự hình thức, mà quên: loa, kèn, chiêng trống quá lớn làm nhiều nguời khó chịu. Kitô hữu phải biết vì quyền lợi người khác.

    - Tình yêu thương đòi phải mang tính phổ quát. Tình trạng phân biệt trong xã hội rất phổ biến. Đức Giêsu nêu một người kia: “Ai là người thân cận?” (Lc 10,29), mà không gọi rõ tên là gì, quê ở đâu, để nhấn mạnh chủ đề ‘anh em’ là từ chung cho tất cả loài người. Luật yêu thương xóa mọi biên cương, phá bỏ mọi hàng rào và nối lại mọi ngăn cách.

    - Truyện: Mẹ dỗ con trên xe hơi: Ăn nữa đi, mẹ thương. Cậu bé: Ngán, con không ăn, rồi gạt chiếc bánh kem rơi xuống. Hai đứa bé bới rác gần đó vội nhặt. Vì bánh bẩn, em gái nói: Anh Hai thổi sạch rồi ăn. Anh phùng má thổi, bụi cứ dính chặt. Đứa em sốt ruột thổi theo, bánh rơi xuống cống. Con bé vừa khóc vừa nói: Tại anh Hai thổi mạnh quá. Ừ, tại anh. Mà kem còn dính tay nè. Cho em 3 ngón, anh liếm 2 ngón thôi.

    - Nhiều ktự nhận là vô thần, nhưng chính họ lại là kẻ hay lén lút xin khấn, lễ vái với thần thánh nhiều hơn. Hôm nay Chúa không dẫn ra gương sáng của giáo sĩ hay chức sắc, mà lại đưa gương người ngoại giáo để răn dạy. Chúa gieo tình yêu nơi mỗi người, Chúa biết rõ ai có trái tim nhân hậu. Xin cho chúng con luôn sống tình bác ái yêu thương như Chúa muốn, để xứng đáng là môn đệ Chúa.

    NGƯỜI SA-MA-RI NHÂN LÀNH

    Suy Niệm

    Qua một câu hỏi về mục tiêu của đời người, Đức  Giê-su đưa ra con đường tốt nhất, để con người có thể được sống đời đời, đó là tình yêu tha nhân, qua câu chuyện người bị nạn trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Giê-ri-cô.

    Nhiều người băn khoăn rằng luật hay tình thương, cái nào trọng hơn, thầy Tư tế hay thầy Lêvi không giúp bệnh nhân chỉ vì Luật cấm mà? Liệu trong thực tế, có bao nhiêu người đã làm như người Sa-ma-ri này, khi nạn nhân là kẻ thù?

    1. Triết lí cuộc sống

    Mọi người sinh ra trên trái đất này đều nguyện ước sống lâu: Sống 100 tuổi, bạc đầu răng long, sống trường sinh bất tử, hạnh phúc vĩnh viễn là những lời chúc cửa miệng của con người. Từ những bộ lạc xa xưa nhất, đến những nhà khoa học hiện đại, các triết gia lỗi lạc xưa nay hằng mong mỏi tìm ra hướng đi, một triết lí cuộc sống, để đạt hạnh phúc đời đời.

    Người thông luật ước ao có cuộc sống trường tồn: Đời này đối với anh chỉ là tạm bợ, phải làm gì để đạt mục tiêu về sau, anh muốn Chúa giúp: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”(Lc 10,25). Hạnh phúc vĩnh viễn, một khát vọng cháy bỏng luôn là động cơ làm con người nên công chính hơn, hoàn thiện hơn trong thực hành cuộc sống, trong các nền văn hoá, xã hội và tôn giáo. Con người cần đến sự bênh vực của các thần thánh; những Lạc hồng, thần Mặt trời, thần Brahman, Shiva.. từng được con người biết đến, tôn vinh và cầu cứu giúp họ thăng hoa và đạt tới sự sống đời đời.

    Cuộc đời con người là một canh bạc vĩ đại, mà không ai muốn thua trong cuộc chơi duy nhất này. Pat-can đã đưa ra một mẫu câu hỏi nổi tiếng: Có Thiên Chúa hay không? Một canh bạc! Nếu bạn chọn Chúa và đúng, bạn được tất cả; nhưng nếu bạn chọn Chúa và sai, bạn cũng chẳng mất gì; một cuộc đời vô tận, một hạnh phúc đời đời, ai dám liều để mất và nếu không muốn, bạn phải làm tất cả để đạt được.

    2. Những nhân vật

              Đức Giê-su nói lên quan điểm của Người, khi dẫn ra dụ ngôn việc hành xử với một nạn nhân bị cướp đánh nhừ tử:

              Trước hết là vị Tư tế, đại diện cho tầng lớp đạo đức và tri thức trong Do Thái. Sau khi cử hành phụng vụ ở Giê-ru-sa-lem về, gặp một người bị nạn kêu cứu, ông làm ngơ. Có thể lý giải hành động của ông: vì sợ mình ra dơ, một người chuyên tế lễ mà đụng chạm vào người ngoại, theo Luật, sẽ bị ô uế và trở thành bất xứng. Cũng có thể ông sợ “đầu chả phải, phải tai, nhỡ ra mình ở đó người ta đổ oan cho thì sao? nhất là kẻ cướp có thể còn đang ẩn núp đâu đó sẽ xuất hiện và tấn công, tốt nhất hãy lánh đi! Tuy nhiên, ông quên rằng, nếu ông cũng bị nạn như người xấu số này thì sao? Chỉ có tình thương mới cứu được ông thôi, ông hãy đặt mình vào trường hợp của người khác để thi hành. Đức Giê-su dạy phải thực hiện giới luật yêu thương trước đã: “Nếu ngươi có điều gì bất bình với anh em trước khi dâng của lễ, hãy để đấy và làm hoà với anh em trước đã…”(Mt 6,23).

    Tiếp đến là một thầy Lêvi, người nắm giữ Lề luật It-ra-en. Ông không thấy trong Luật có chỗ nào nói về trường hợp này, nhưng chỉ viết: “Người lớn nhất trong anh em thì không được gần người chết, làm mình ra ô uế…”(Lv 21,10-11). Ông đưa ra giải pháp an toàn nhất, mình không cứu thì không lỗi Luật, còn nếu đụng đến họ thì “lỗi Luật.” Ông đã giải thích luật cách máy móc, ông không hiểu rằng luật đưa ra là vì con người, mà chỉ khi thể hiện tình yêu thì con người mới hoàn thiện được. Tuy nhiên, ngay trong Luật cũng có chỗ đề cập tới, “nếu ngươi thấy con bò, con lừa ngã trên đường, thì hãy cứu giúp nâng đỡ nó dậy,” mà đây lại là con người.

              Trường hợp thứ ba là người Sa-ma-ri: Một dân thường, một người ngoại đạo, một kẻ thù của người It-ra-en, nhưng thấy người bị nạn, ông dủ lòng thương. Bỏ qua hàng rào chủng tộc, tôn giáo, nghề nghiệp…, ông đã cứu nạn nhân: “Ông lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương bệnh nhân và băng bó lại, rồi đặt người đó trên lưng lừa của mình đưa về quán trọ săn sóc”(Lc 10,34). Thật tuyệt vời, ông chính là bạn của người bị nạn, ông thực hiện giới luật yêu thương, tên ông mãi được nhắc tới, nhiều địa danh, nhiều nhà thờ, cộng đồng mang tên “Sa-ma-ri nhân hậu.” Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của con người để đạt tới sự sống đời đời.

    3. Thực hành sống

    Cuộc sống đời này chỉ là tạm thời, mọi người cần phải nỗ lực để đạt tới mục tiêu của mình:

    Người Ki-tô hữu phải tuân giữ Lề luật, con đường dẫn tới hạnh phúc đời đời. Lề luật được đặt ra bởi Chúa và trung gian của Người, luật đặt ra để giữ trật tự cho tất cả. Luật giúp đỡ con người vượt qua những yếu đuối thử thách. Tuy nhiên, trong muôn vàn thứ luật, con người phải tìm ra loại luật nào quan trọng nhất. Chúa dạy luật yêu thương là quan trọng nhất. Mỗi người phải thực hiện giới luật yêu thương để sống đời đời.

    Người Ki-tô hữu phải nên giống như người Sa-ma-ri. Tình yêu vượt lên trên tôn giáo, hi lễ, vượt trên mọi phân biệt, bởi tất cả đều là con cái Cha trên Trời. Trong một thế giới chỉ biết cái tôi, nhân phẩm bị bỏ quên, tiền bạc là chúa tể, địa vị là ưu tiên, mỗi người phải luôn ghi nhớ Lời dạy của Chúa để trở thành người thân của mọi người, kể cả kẻ thù.

    Lạy Chúa, thực hiện những điều này không dễ, nhưng vì một cuộc sống đời đời, Xin Chúa giúp chúng con khôn ngoan làm tất cả để đạt tới hạnh phúc đời đời.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan